Một ngôi nhà đẹp khi kết hợp hài hoà được giữa ba yếu tố: công năng, thẩm mỹ và phong thuỷ. Để đạt được ba yếu tố này là điều không dễ dàng, nếu như không được tính toán kỹ sẽ xảy ra trường hợp “được mặt này mất mặt kia” gây tâm trạng bất an hoặc khó khăn trong sinh hoạt gia đình. Những lưu ý khi thiết kế cửa chính và cửa sổ ngay dưới đây sẽ giúp quý bạn đọc có thêm những kinh nghiệm mới trong việc lắp đặt cửa sao cho khoa học và hợp lý.
Những lưu ý khi thiết kế Cửa chính
Cửa chính là nơi thu hút ánh sáng và không khí thiên nhiên vào bên trong ngôi nhà do đó, khi thiết kế cửa chính phải lấy sự đối lưu không khí trong nhà làm điểm trọng tâm.
Kích thước cửa chính của mỗi nhà phụ thuộc vào diện tích, số tầng cao của ngôi nhà đó. Do đó, khi xây mới nhà ở hoặc sửa sang lại nhà cửa, bạn nên nhờ kiến trúc sư tư vấn để có được kích thước cửa phù hợp tỷ lệ hợp lý và cân đối so với kích thước và hình dáng của ngôi nhà. Vì nếu cửa quá lớn thì khí sẽ thoát ra ngoài một cách dễ dàng, trong khi đó cửa chính quá nhỏ sẽ hạn chế các luồng khí được đưa vào nhà.
Trường hợp nhà cũ đã mắc phải những bất lợi trên thì gia chủ phải tìm cách hoá giải, ví dụ cửa rộng có thể được khắc phục bằng cách treo một chiếc chuông gió bên ngoài cửa, chuông gió sẽ ngăn không cho những điềm xấu hay những nguồn năng lượng tiêu cực vào trong nhà, đồng thời phát tán năng lượng đi vào nhà một cách có hiệu quả. Cửa hẹp nên sửa chữa, mở rộng thêm. Cửa chính quá thấp cũng là điều tối kỵ, theo phong thuỷ đó sẽ là điềm báo gia đình suy bại, là điều nên tránh.
Cửa trước và cửa hậu tránh đặt đối diện trực tiếp với nhau bởi như thế khi khí đi vào nhà sẽ lập tức thoát ra theo cửa hậu mà không có sự luân chuyển trong nhà. Trong trường hợp này bạn có thể đặt một chậu cây cao hay thiết kế tấm chắn giữa hai cửa để ngăn không cho khí đi theo đường thẳng thoát ra ngay khi vừa vào nhà.
Cửa chính cũng không nên hướng thẳng về cây to hoặc khe núi. Cây to ở trước cửa chính sẽ mang khí âm vào trong nhà, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người. Cũng nên tránh cửa chính nhìn vào trong ngõ cụt, bởi ngõ cụt thường tàng tụ âm khí. Thêm vào đó, nếu có khe núi đối diện cửa chính sẽ khiến cho người trong nhà một cảm giác bất an, có điều không may đang rình rập.
Khu vực ngoài của cửa chính phải luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và sáng sủa, tạo cảm giác thoải mái và tiện lợi. Nếu không gian phía trước cửa chính hơi tối, nên có thể thiết kế thêm đèn chiếu sáng.
Những lưu ý khi thiết kế Cửa sổ:
Cửa sổ đối với một công trình kiến trúc không chỉ có tác dụng kết nối con người với môi trường xung quanh mà xét về mặt phong thuỷ chúng còn là nơi dẫn khí và đón vận may vào nhà.
Cửa sổ cũng có chức năng tương tự cửa chính, tức là nơi hút ánh sáng và không khí tự nhiên vào nhà, là thông đạo giao lưu giữa cuộc sống riêng tư của mọi thành viên trong gia đình với thế giới bên ngoài. Chính vì vậy mỗi công trình nhà ở tuỳ theo hình thái kiến trúc khác nhau (biệt thự, nhà phố, nhà vườn….) và yếu tố cảnh quan xung quanh mà các KTS luôn đề ra những tiêu chí thiết kế cửa sổ riêng phù hợp với công trình và thuận theo phong thuỷ nhà ở. Nếu được thiết kế phù hợp với không gian phong thủy, thì nó sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho không gian sống của gia đình.
Đầu cửa sổ phải cao hơn đầu người cao nhất trong nhà. Cửa sổ phải tương đối rộng.
Nhà quá ít cửa sổ thì mang tính hướng nội, khép kín và tách biệt với ngoại cảnh. Ngược lại, nhà nhiều cửa sổ hay mở những mảng kính rộng thì tính hướng ngoại tăng, phù hợp với nơi tập trung đông người như phòng khách. Do đó, phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng mà quy định số lượng, kích thước của cửa sổ.
Nhà quá nhiều cửa sổ có thể làm dương tính trong nhà trở nên thái quá vì chúng đầy ắp khí, ngược lại nhà quá ít cửa sổ làm hụt khí và mang tính âm.
Khi thiết kế cửa sổ cần chú ý 4 điều cơ bản là đảm bảo an toàn (ngăn trẻ không bị ngã, chống trộm…); Không chọn lưới bảo vệ quá dày sẽ gây nên nhiều bất lợi như tính thẩm mỹ kém, ảnh hưởng tới tầm nhìn… cho cửa sổ; Cửa sổ thông thoáng và nhận nhiều ánh sáng; Cửa đảm bảo kín gió khi cần.